Bệnh thận mạn là hậu quả của các bệnh lý thận – tiết niệu, làm chức năng thận suy giảm dần dần và mất khả năng hồi phục. Bệnh không chỉ khiến người mệt mỏi, ăn uống kém…, giảm chất lượng cuộc sống mà còn có thể ảnh hưởng nhiều đến đời sống tình dục.
Nội dung
Theo các chuyên gia y tế, cách tốt nhất để duy trì sức khỏe của thận là áp dụng một lối sống có lợi cho sức khỏe và làm theo lời khuyên của bác sĩ. Nếu không điều trị kiểm soát tốt, bệnh thận có thể trầm trọng hơn theo thời gian, dẫn đến suy thận.
Bệnh thận mạn có thể dẫn đến suy thận hoặc không. Nhưng khi bị suy thận mạn thì đã là hậu quả cuối cùng của các bệnh lý thận – tiết niệu, làm chức năng thận suy giảm dần dần và mất khả năng hồi phục. Bệnh không chỉ khiến người mệt mỏi, ăn uống kém…, giảm chất lượng cuộc sống mà còn có thể ảnh hưởng đến đời sống tình dục.
1. Nhận biết dấu hiệu bệnh thận mạn
Trong giai đoạn đầu của bệnh thận mạn, người bệnh có thể không có biểu hiện gì hoặc xuất hiện một số dấu hiệu như: mệt mỏi, đau đầu, khó ngủ, đau lưng, da khô và ngứa ngáy, khó thở nhất sau những hoạt động gắng sức, tiểu nhiều, tiểu ra máu…
-
Cảnh giác với bệnh thận và suy thậnĐỌC NGAY
Nếu nhận biết càng sớm các dấu hiệu ban đầu, việc điều trị sẽ dễ dàng hơn, làm chậm sự tiến triển nặng hơn của bệnh thận mạn. Nếu không được phát hiện điều trị, bệnh trở nên trầm trọng hơn dẫn đến suy thận mạn.
Suy thận mạn là quá trình diễn tiến không hồi phục chức năng của thận. Việc điều trị chỉ giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, giảm các triệu chứng suy thận và hạn chế biến chứng. Trường hợp suy thận nặng người bệnh cần được điều trị thay thế thận như: chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn là người mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa mạch, suy tim, các bệnh dị dạng đường tiết niệu cần phẫu thuật, bệnh hệ thống gây tổn thương thận…
2. Ảnh hưởng của bệnh thận đến khả năng tình dục ở nam giới
TS. BS. Nguyễn Minh Tuấn
Theo TS. BS. Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng khoa Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện E, hệ thận tiết niệu có liên quan đến nhiều đến các hệ cơ quan trong cơ thể như: Tim mạch (điều hòa huyết áp), tạo máu, chuyển hóa xương, cân bằng nước điện giải kiềm toan… và hệ sinh dục nhìn chung có mối liên quan với nhau. Vì vậy khi thận có vấn đề bất ổn, có thể gây tác động trực tiếp tới khả năng sinh lý của mỗi người.
Chức năng của thận là sản xuất một số loại hormon. Khi mắc các bệnh lý về thận, các loại hormon sẽ bị thay đổi, mất cân bằng dẫn đến giảm ham muốn tình dục ở nam giới. Nam giới mắc các bệnh viêm cầu thận, sỏi thận, suy thận… dễ bị suy nhược cơ thể, mệt mỏi cũng ảnh hưởng đến khả năng ham muốn.
Thận yếu là từ theo dân gian, đông y hoặc người dân, theo cách hiểu của một số người là suy giảm khả năng tình dục. Nhưng thực tế không phải hoàn toàn như vậy, suy giảm chức năng tình dục do rất nhiều nguyên nhân như: tâm lý, tuổi, nội tiết, cơ thể mắc bệnh gì không (tim mạch, COVID…) uống rượu nhiều, ít vận động thể lực, hòa hợp vợ chồng…
Với y học hiện đại, thận yếu có thể do mắc bệnh thận mạn, suy thận mạn với các triệu chứng khó chịu của bệnh như: mệt mỏi, ăn uống kém, đi tiểu nhiều, những biến đổi về da, mùi cơ thể… gây suy giảm chức năng một số cơ quan của cơ thể, có thể làm suy giảm ham muốn tình dục.
Thận yếu còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình lưu thông máu đến dương vật. Đối với những bệnh nhân có vấn đề về thận, lượng máu đến dương vật thường không đủ để đạt được sự cương cứng, có thể gây rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh…
Thận yếu hay các triệu chứng khó chịu của bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tình dục. Ảnh minh hoạ.
3. Cần phải làm gì khi có dấu hiệu bệnh thận mạn?
Để giảm thiểu ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng tình dục, người mắc các bệnh lý về thận cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Việc điều trị có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng, hạn chế nguy cơ biến chứng.
– Người bệnh cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Cần điều trị tốt các triệu chứng: tăng huyết áp, kiểm soát rối loạn lipid máu, điều trị thiếu máu, điều trị loãng xương, điều trị rối loạn điện giải…
– Không được điều trị theo mách bảo hay tự ý bổ sung các thuốc bổ thận vì nếu không có sự tư vấn của bác sĩ, uống không đúng cách, không đúng liều sẽ không hiệu quả, thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khoẻ.
– Người bệnh cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt và ăn uống phù hợp. Nên có chế độ nghỉ ngơi phù hợp với tình trạng sức khoẻ, tập thể dục đều đặn, tránh các hoạt động mạnh.
– Về chế độ dinh dưỡng, nên giảm lượng protein, giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày, bỏ thuốc lá, rượu bia…
Người mắc bệnh thận cần đi khám và điều trị càng sớm càng tốt. Ảnh minh họa.
4. Các biện pháp phòng bệnh thận
- Uống nhiều nước. Cung cấp đủ nước giúp quá trình lọc các chất độc ra ngoài cơ thể diễn ra bình thường. Nên uống đủ khoảng 2 lít nước mỗi ngày đối với người trưởng thành, tốt nhất là uống nước lọc.
- Không nên nhịn tiểu
- Kiểm soát lượng đường trong máu đối với người bệnh đái tháo đường
- Kiểm soát huyết áp
- Giảm lượng muối trong chế ăn uống
- Bỏ thuốc lá
- Hạn chế uống bia rượu
- Thận trọng khi dùng thuốc, cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ