Cuối năm, tiệc tùng và liên hoan kéo dài, nhiều cuộc gặp gỡ bạn bè ăn uống, chúc tụng đã khiến nhiều người phải nhập viện do thích những món “khoái khẩu” như đồ tái, sống.
Có mặt tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương) vào những ngày giáp Tết, chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân đang phải điều trị căn bệnh sán não do thói quen ăn tiết canh và thực phẩm tái, sống.
Mắc sán não lại tưởng động kinh, đột quỵ
Điều trị tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ ngày 19/1, ông T.T.H (74 t.uổi, Hà Giang) cho biết, mình vốn khoẻ mạnh bình thường, nhưng cách đây hơn 1 năm, vào ban đêm dậy đi vệ sinh, ông bỗng lên cơn co giật, mồm méo, mắt trợn. Sau 20 phút ông tỉnh lại. Sáu tháng sau, ông lại bị cơn co giật với triệu chứng trên, nhưng nửa tiếng sau cũng trở lại bình thường. Cả hai lần ông đều không đi bệnh viện.
Vào tháng 1/2024, ông lên cơn co giật nặng cũng vào lúc nửa đêm về sáng. Ông được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Giang, chụp CT não phát hiện có 3 ổ sán làm tổ trong não. Các ổ sán này lan rộng, có ổ đã vôi hoá. Sau đó, ông được chuyển xuống Bệnh viện Đặng Văn Ngữ điều trị.
Người bệnh chờ khám ở Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Ảnh minh họa.
Theo ông H, ông có thói quen ăn tiết canh, thịt tái. “Hầu như mùng 1 nào tôi cũng ăn tiết canh. Đặc biệt ngày Tết tôi thường ăn tiết canh cả ngan và lợn, nhưng không ngờ món ăn này lại khiến mình mắc bệnh nặng như vậy. Ban đầu tôi nghĩ mình bị đột quỵ chứ không nghĩ lại mắc sán não, căn bệnh gây cho mình mệt mỏi kéo dài thế này”, ông H nói. Khi biết ông bị sán não, những người bạn hay đi ăn cùng ông chưa biết sợ, vẫn sử dụng món “khoái khẩu” này bình thường.
Trường hợp khác là ông N.V.T (65 t.uổi, Bắc Giang), nhiều năm nay ông T. hay đau đầu, chóng mặt, đau bụng, đi nhiều bệnh viện nhưng không tìm ra bệnh. Sau đó, ông được một bác sĩ ở bệnh viện tư nhân nghi mắc sán não giới thiệu lên bệnh viện tỉnh. “Bệnh viện tỉnh giới thiệu tôi xuống Bệnh viện Đặng Văn Ngữ điều trị, sau đó tôi thấy đỡ. Gần đây tôi lại thấy co giật như động kinh, nghẹo cả đầu và cổ, nước mắt tràn ra không kiểm soát, chân tay run lẩy bẩy, nên đi khám và bác sĩ bảo tôi lại tái phát căn bệnh cũ”, ông T nói.
Các bác sĩ đã tìm ra căn nguyên khiến các cơn “động kinh” của ông T ngày một nặng là bị sán làm tổ trên não. Theo BS Phan Thị Thu Phương, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, ông T điều trị sán não từ năm 2016, nhưng chỉ được 3 đợt thì tự ý bỏ. Lần này ông vào viện trong tình trạng ngủ kém, đi lại khó, giật hai tay. Chụp cộng hưởng từ vẫn còn hình ảnh ấu trùng sán lợn ở trên não. Cũng giống ông H, món tiết canh đã trở thành khoái khẩu của ông T và bạn bè ông trong nhiều năm. Ngoài ra, ông còn hay ăn các món tái như nem thính, gỏi…
Tiết canh ngan, vịt, lợn nhà nuôi cũng không an toàn
Theo TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, thời gian vừa qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm các bệnh ký sinh trùng, điển hình là những bệnh ấu trùng sán dây lợn và một số bệnh ký sinh trùng khác. Nhiều bệnh nhân bị nhiễm sán não vào nhập viện trong tình trạng đau đầu, hoa mắt, nhìn mờ và liệt nửa người, khiến gia đình tưởng bị đột quỵ. Bệnh nhân này cho biết, ông hay ăn rau sống, nem thính và thỉnh thoảng ăn tiết canh, thịt lợn tái.
Theo TS.BS Trần Huy Thọ, các biểu hiện nhiễm ấu trùng sán lợn sẽ khiến nhiều người lầm tưởng sang trường hợp tai biến, đột quỵ. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị liệt nửa người và những di chứng khác kèm theo. Nhiều người dân đến viện luôn khẳng định ăn tiết canh lợn nhà nuôi, tiết canh vịt nhà tự làm nên không thể bị nhiễm sán. Nhưng suy nghĩ này là chưa đúng. Tất cả các loại tiết canh dù là tiết canh lợn, dê, vịt… tự làm hay ăn ngoài hàng thực chất đều là m.áu sống và đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn, giun sán…
“Nhiều người tưởng ăn tiết canh vịt nhà tự làm sẽ không bị nhiễm giun sán hay liên cầu khuẩn lợn. Nhưng trong quá trình cắt tiết, chế biến không đảm bảo dẫn tới vi khuẩn ở da, lông con vật dễ dàng xâm nhập vào m.áu. Bên cạnh đó, tiết canh vịt dù không có liên cầu khuẩn nhưng để hấp dẫn, người chế biến lại lấy những bộ phận của lợn chế biến làm nguyên liệu đ.ánh tiết canh thì cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh cao”, BS Thọ phân tích rõ.
Bên cạnh đó còn nhiều người chủ quan, khi mắc sán não điều trị thấy đỡ đã bỏ giữa chừng, hoặc khi xuất viện về nhà, vẫn ăn đồ tái, sống. Người mắc sán não ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, như suy giảm trí nhớ, bệnh nhân tới nhập viện trong trạng nhớ nhớ, quên quên như bệnh nhân tâm thần. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng một ngày có 5, 6 cơn co giật toàn thân. Đặc biệt trường hợp nặng còn để lại di chứng là những nốt vôi hóa không mất đi, khiến người bệnh thỉnh thoảng đau đầu, giật cơ nhẹ.
Vì vậy, theo khuyến cáo của bác sĩ, bệnh nhân phải điều trị triệt để và còn tuỳ thuộc vào từng giai đoạn của bệnh, sự đáp ứng thuốc của từng bệnh nhân. Đồng thời, cần bỏ các món “khoái khẩu” như tiết canh, thực phẩm tái, sống để không mắc bệnh ký sinh trùng tấn công vào cơ thể và lên não, chịu nhiều di chứng kéo dài suốt cuộc đời sau này
Sán làm tổ trong não do thói quen ăn tiết canh
Hai bệnh nhân nam nhập viện được chẩn đoán sán não do thói quen ăn tiết canh.
Ngày 30/11, các bác sĩ khoa Nội Tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, bệnh nhân đi khám vì đau đầu âm ỉ, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân kéo dài. Kết quả chụp MRI sọ não phát hiện tổn thương dạng nang trong nhu mô não, dương tính với sán dây chó (Echinococus).
Các bác sĩ chẩn đoán cả hai bệnh nhân bị nang sán não (cerebral hydatid cysts) do sán dây chó (Echinococus).
Cả hai người chia sẻ có thói quen ăn tiết canh lâu năm. Hiện, người bệnh được dõi tại bệnh viện kết hợp dùng thuốc để giảm các nang sán.
Hình ảnh sán làm tổ trong não của hai bệnh nhân. (Ảnh: BVCC)
Nang sán thần kinh (Cerebral hydatid cysts or neurohydatidosis) tỷ lệ khoảng 2-3%, thường do sán dây chó giai đoạn ấu trùng gây bệnh ở người. Nguồn lây bệnh thường qua việc ăn uống thực phẩm, nước bị nhiễm trứng sán, hoặc do tiếp xúc trực tiếp với chó và các động vật trung gian nhiễm bệnh.
Triệu chứng nhiễm sán giai đoạn đầu thường mệt mỏi, ăn kém. Khi nang sán phát triển to biểu hiện tuỳ phụ thuộc vào vị trí của u nang và kích thước của chúng sẽ xuất hiện triệu chứng đau đầu, nôn mửa, co giật do tăng áp lực nội sọ và chèn ép não.
Việc chẩn đoán bệnh sán não thường không dễ, cần đến khám chuyên khoa, vì có thể chẩn đoán nhầm với u nang nội sọ là tổn thương lành tính. Nếu không phát hiện sớm, chủ quan với nang sán có thể phát triển to và chèn ép não.
Đối với nang nhỏ chưa chèn ép não chỉ cần điều trị nội khoa, tẩy sán nhiều chu kỳ. Trường hợp kích thước nang to gây chèn ép não hoặc không đáp ứng với điều trị thuốc sẽ cần phẫu thuật.
Để phòng sán, các bác sĩ khuyến cáo nên thực hành vệ sinh tốt, tẩy giun, sán định kỳ cho vật nuôi, rửa tay sau khi tiếp xúc với vật nuôi, ăn chín uống sôi, tránh ăn các loại tiết canh có thể là nguồn chứa ấu trùng giun sán tiềm ẩn.