Đi bộ nhanh, nhảy dây, đạp xe, bơi vài vòng hoặc giãn cơ với một số động tác yoga trong vòng 20 phút có thể giúp bạn đốt cháy 100 calo dễ dàng.
Đạp xe là một phương pháp đốt cháy calo hiệu quả và có tác dụng rèn luyện sức khỏe. (Nguồn: NDTV)
Đi bộ nhanh
Đi bộ là một trong những cách dễ dàng và thuận tiện nhất để đốt cháy calo. Tyler Read, người sáng lập PTPioneer và là huấn luyện viên cá nhân, có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thể hình, nói với Eat This: “Đi bộ với tốc độ nhanh khoảng 20 phút có thể đốt cháy 100 calo. Nó có tác động thấp, cải thiện sức khỏe tim mạch và phù hợp với mọi cấp độ thể chất”.
Bạn càng đi bộ nhiều và càng tăng tốc, lượng calo đốt cháy càng cao. Nếu bạn chưa từng đi bộ, hãy bắt đầu thực hiện một số bước ngắn và tăng dần quãng đường dài hơn.
Khi bạn muốn tăng tốc độ đốt cháy calo, hãy đi đường dốc và tăng tốc độ.
Nhảy dây
Nhảy dây không chỉ dành cho t.rẻ e.m. Theo Read, nhảy dây trong 10 phút có thể đốt 100 calo. Đây là một bài tập tim mạch cường độ cao giúp cải thiện khả năng phối hợp và sự nhanh nhẹn.
Thêm một số bài tập nhảy dây vào thói quen của bạn có thể giúp định hình toàn bộ cơ thể, bao gồm đùi, mông, cơ bụng, vai và cánh tay. Hình thức tập thể dục này thậm chí còn hiệu quả trong việc xây dựng cơ bắp và sức mạnh.
Đạp xe
Đạp xe không chỉ là một phương pháp đốt cháy calo tuyệt vời mà còn có thể ngăn ngừa các bệnh mãn tính nghiêm trọng, bao gồm tiểu đường, viêm khớp, béo phì, đột quỵ, đau tim, một số bệnh ung thư và thậm chí trầm cảm.
Read giải thích: “Đạp xe với tốc độ vừa phải khoảng 15 phút có thể đốt cháy 100 calo. Nó tuyệt vời để tăng sức mạnh của chân và sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, đạp xe cùng bạn bè là một hoạt động xã hội thú vị”.
Bơi vài vòng
Bơi lội là một hình thức tập thể dục nhịp điệu ít tác động nhưng mang lại nhiều lợi ích về thể chất và tinh thần. Ngoài ra, bơi mang lại cho toàn bộ cơ thể một bài tập luyện tràn đầy sinh lực.
Read giải thích: “Bơi ở mức độ vừa phải trong 15 phút cũng có thể đốt cháy khoảng 100 calo. Ngoài ra, nó rất thân thiện cho các khớp”.
Bạn sẽ tăng nhịp tim và xây dựng sức mạnh cơ bắp, sức bền và thể lực sau khi bơi. Môn thể thao toàn thân này cũng sẽ làm săn chắc cơ bắp.
Kéo giãn cơ thể bằng một số động tác yoga
Thêm yoga vào lịch trình của bạn chỉ 20 phút mỗi ngày có thể đốt cháy khoảng 100 calo, đặc biệt với các động tác chuyển động tích cực.
Theo một nghiên cứu được công bố trên PLOS ONE, yoga là một hình thức hoạt động thể chất tuyệt vời có thể duy trì giảm cân lâu dài. Nghiên cứu cho thấy, những người tập yoga trong chương trình giảm cân kéo dài 12 tuần đã giảm thêm 3,5% trọng lượng cơ thể so với những người không tập.
Read cho biết, tập yoga giúp cơ thể rắn chắc hoàn toàn vì hình thức tập thể dục nhẹ nhàng này giúp cải thiện sức mạnh, tính linh hoạt, sự cân bằng và sức khỏe tinh thần tổng thể. Ngoài ra, nó có thể giúp chữa bệnh viêm khớp, đau lưng và sức khỏe tim mạch.
Cách tránh chấn thương khi nhảy dây
Nhảy dây là bài tập luyện đơn giản, dễ thực hiện ở mọi nơi mọi lúc. Tuy nhiên, nếu tập không đúng cách có thể gây một số chấn thương nguy hiểm.
Dưới đây là cách để tránh chấn thương khi nhảy dây.
1. Các chấn thương thường gặp khi nhảy dây
BS. Nguyễn Trọng Thủy (nguyên bác sĩ Đội tuyển bóng đá nam Quốc gia và U23 Việt Nam) cho biết, nhảy dây giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, cải thiện sự phối hợp, tăng khả năng tập trung, tăng sức bền, giúp giảm mỡ và giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên, việc nhảy dây không đúng cách có thể gây một số chấn thương:
– Đau khớp: Việc nhảy dây quá mức có thể dẫn đến đau khớp, từ đó làm giảm hiệu suất luyện tập. Đau khớp do nhảy dây sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi.
– Chấn thương gân cẳng chân: Nếu tập luyện cường độ cao vượt quá mức có thể sẽ dẫn đến chấn thương ống chân. Chấn thương này khiến người tập đau nhói dọc theo xương ống quyển. Ngoài ra, người tập có thể bị sưng nhẹ ở cẳng chân.
– Gãy xương: Nhảy dây sẽ dồn trọng lượng lên xương cẳng chân. Việc tập luyện quá sức có thể khiến phần xương bị tổn thương. Do đó, những người có xương cẳng chân yếu có thể bị gãy xương.
– Bong gân gót chân: Gân gót chân chịu trách nhiệm vận động lớn khi nhảy dây. Nếu vận động quá mức sẽ tạo áp lực cho gân gót chân dẫn đến gây đau và viêm nhiễm ở phần bàn chân.
Bong gân gót chân là chấn thương thường gặp khi nhảy dây quá sức.
2. Làm thế nào để tránh chấn thương khi nhảy dây?
Đôi khi rất khó để phân biệt giữa cơn đau thông thường và cơn đau do chấn thương thể thao. Đau nhức cơ bắp thông thường được đặc trưng bởi sự mệt mỏi và căng cứng. Điều này có thể được cải thiện theo thời gian bằng cách kéo giãn cơ. Tuy nhiên, nếu bị chấn thương, các triệu chứng đau, sưng tấy và mệt mỏi sẽ kéo dài, không khỏi.
Có thể tránh các chấn thương khi nhảy dây bằng một số cách dưới đây:
– Lựa chọn bề mặt nhảy dây: Khi nhảy dây, hãy cố gắng tránh các bề mặt cứng như nhựa đường và bê tông vì có ít không gian để hấp thụ sốc, do đó làm tăng nguy cơ chấn thương. Cố gắng nhắm tới các bề mặt như sàn gỗ hoặc cao su. Nếu không có lựa chọn nào khác cho bạn và bạn phải nhảy trên bề mặt cứng, hãy giảm cường độ tập luyện của bạn xuống.
– Mang giày phù hợp: Mang giày phù hợp là điều rất quan trọng để ngăn ngừa chấn thương khi nhảy dây. Nên chọn những đôi giày chất lượng tốt, có tác dụng giảm xóc hiệu quả, mang lại cảm giác thoải mái khi đi.
Nên khởi động trước khi nhảy dây để tránh chấn thương.
– Chú ý tần suất nhảy : Tần suất nhảy dây là yếu tố rất quan trọng để ngăn ngừa chấn thương. Thường những người mới bắt đầu tập dễ bị chấn thương vì mong muốn đạt được mục tiêu nhanh hơn. Điều này thường khiến cơ thể quá căng thẳng và dẫn đến chấn thương.
Nghỉ ngơi và phục hồi là rất quan trọng khi tập thể dục. Hãy tiếp tục thay đổi thói quen tập luyện của bạn với cường độ và thời lượng khác nhau để duy trì hứng thú và tránh bị thương.
– Đừng bỏ qua phần khởi động : Tất cả các môn thể thao đều cần khởi động trước khi bắt đầu tập luyện. Khởi động giúp nâng cao lưu lượng m.áu và nhịp tim tăng dần để chuẩn bị cho buổi tập luyện.
– Giãn cơ: Nhiều người bỏ qua thói quen giãn cơ sau khi tập luyện. Giãn cơ giúp giải quyết tình trạng căng cơ. Ngoài ra, vào những ngày nghỉ, có thể thực hiện một buổi tập kéo giãn cơ trong khoảng 30-60 phút. Có thể kết thúc buổi tập bằng một vài tư thế yoga có tác dụng kéo dãn hiệu quả.