Khẩu phần ăn giàu chất xơ, điển hình là các loại rau, củ có tác dụng hiệu quả trong cải thiện táo bón.
ThS.BS Nguyễn Ngọc Đan, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chia sẻ trên Báo Sức khỏe và đời sống rằng, có nhiều nguyên nhân gây bệnh táo bón, trong đó táo bón chức năng là dạng thường gặp nhất.
Nguyên nhân chính gây táo bón chức năng là do chế độ ăn uống sinh hoạt không hợp lý như ít vận động, uống không đủ nước, ăn thiếu chất xơ.
Để điều trị hiệu quả táo bón, bên cạnh việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt, tăng cường vận động thì người bệnh cần có chế độ ăn phù hợp cân đối, cung cấp đủ nước, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ.
Chất xơ có nhiều trong các loại rau củ quả. Hàm lượng chất xơ dồi dào trong cac loại thực phẩm này vừa tăng cường hoạt động của nhu động ruột, vừa giúp làm mềm phân. Nhờ đó có thể khắc phục hiệu quả tình trạng táo bón, giúp người bệnh đại tiện dễ dàng hơn.
Dưới đây là một số loại rau quả có thể ngừa táo bón:
Rau mồng tơi có nhiều chất nhầy, nhiều nước giúp trị táo bón.
Mồng tơi
Rau mồng tơi là loại rau quen thuộc, thường xuất hiện phổ biến trong bữa cơm hàng ngày của người Việt. Rau sở hữu hàm lượng dinh dưỡng chứa vitamin C, A, PP, B1, B2, B12, B9, pectin; saponin; polysaccharide; tinh bột; protein; chất béo, khoáng chất (canxi, sắt,…) và giàu chất xơ giúp cải thiện hệ tiêu hóa hiệu quả.
Rau mồng tơi nhiều chất nhầy, nhiều nước giúp làm mềm phân và tăng nhu động ruột, từ đó người bị táo bón có thể đi đại tiện dễ hơn. Mồng tơi thường được chế biến trong các món canh cua, tôm khô hoặc rau mồng tơi xào tỏi, xào bò.
Đậu bắp
Đậu bắp là loại rau giàu chất xơ, bên cạnh đó chúng còn chứa collagen và mucopolysacarit. Đây là các hoạt chất tạo độ nhầy trong đậu bắp, tác dụng tạo môi trường để lợi khuẩn phát triển.
Nhờ đó, thường xuyên sử dụng đậu bắp giúp làm mềm phân, bôi trơn ruột giúp cải thiện triệu chứng táo bón, đồng thời tăng sức đề kháng cho hệ tiêu hóa. Các món ăn thường chế biến từ đậu bắp như luộc chấm các món kho, nấu canh, đậu bắp nướng, đậu bắp xào bò.
Rau đay nấu canh ăn có thể hỗ trợ điều trị táo bón.
Rau đay
Rau đay là loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, giúp giải độc, làm mát cơ thể. Vì vậy, thường dùng tốt cho người kém ăn, chán ăn, khó tiêu, táo bón.
Rau đay chứa nhiều sắt, chất xơ, canxi. Rau đay cũng chứa nhiều nước và chất nhầy, tác dụng bôi trơn, làm mềm phân, làm tăng lưu chuyển ruột, giúp tống đẩy phân ra ngoài dễ dàng.
Cách sử dụng rau đay rất đơn giản bằng cách nấu canh rau đay suông hoặc nấu rau đay với cua đồng vừa giúp dễ tiêu, chống táo bón, vừa cung cấp thêm canxi cho cơ thể.
Rau dền
Rau dền là loại rau mùa hè, tác dụng mát gan, thanh nhiệt. Ngoài ra, rau dền có chứa hàm lượng chất xơ cao giúp phòng và cải thiện hiệu quả tình trạng táo bón.
Rau dền có nhiều loại như dền cơm, dền gai, dền trắng. Loại lá lớn có màu đỏ tía là dền đỏ, đặc điểm là thân mọng nước, nấu chóng nhừ, nấu canh ăn ngon. Rau dền đỏ chứa nhiều protid, glucid, nhiều vitamin và chất khoáng.
Ăn rau dền đỏ luộc trộn với dầu vừng hoặc bột vừng đen, ăn kèm với cơm. Hoặc dùng rau dền đỏ nấu canh ăn cũng rất hiệu quả với các trường hợp bị táo bón.
Khoai lang cũng là món ăn tốt cho người táo bón.
Khoai lang
Khoai lang rất giàu vitamin A, C, D, E, K, B6 cùng các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể giúp tăng cường hệ miễn dịch. Khoai lang cũng giàu chất xơ và khá nhiều protein thực vật.
Ngoài việc cung cấp hàm lượng dinh dưỡng, là nguồn năng lượng tốt cho cơ thể, khoai lang còn được sử dụng phổ biến cho người bị táo bón vì nó có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa.
Khoai lang chứa nhiều chất xơ giúp điều hòa nhu động ruột, thúc đẩy qua trình tống chất thải ra khỏi đường tiêu hóa. Chất xơ trong khoai lang còn tạo môi trường để vi khuẩn có lợi trong ruột kết phát triển và giữ cho các tế bào niêm mạc ruột luôn khỏe mạnh.
Bí ngô
Bí ngô là một nguồn chất xơ tốt giúp cơ thể cảm thấy no, đồng thời thúc đẩy quá trình tiêu hóa lành mạnh, giúp điều hòa nhu động ruột, phòng ngừa táo bón.
Hàm lượng chất xơ trong bí ngô làm chậm quá trình hấp thu carbohydrate, gồm cả đường tự nhiên. Từ đó còn giúp cơ thể cân bằng tốt hơn lượng đường trong m.áu.
Do chứa tới 90% là nước nên bí ngô hỗ trợ cho nhu động ruột hoạt động tốt hơn. Từ đó sẽ kích thích hoạt động tiêu hóa, làm giảm nguy cơ chướng bụng, đầy hơi hay táo bón.
Bí ngô thường được sử dụng để nấu canh ăn hay nấu chè bí ngô kết hợp với đậu xanh cũng rất tốt cho người bị táo bón do đậu xanh cũng là thực phẩm có tính mát và giàu chất xơ giúp duy trì hệ thống tiêu hóa luôn ổn định, tốt cho sức khỏe đường ruột.
Trẻ bị táo bón cha mẹ cần biết điều này để xử trí đúng
Táo bón là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, đây là dấu hiệu cảnh báo hệ tiêu hóa không lành mạnh, bị thiếu nước, chế độ ăn thiếu chất xơ.
Tuy nhiên, cha mẹ thường chủ quan, điều này thực sự là một sai lầm.
Trẻ bị táo bón nếu không được can thiệp kịp thời, để tình trạng bệnh kéo dài có thể sẽ gây nhiều hệ lụy tới sức khỏe của trẻ như biếng ăn, chậm tăng cân, suy dinh dưỡng, thậm chí có thể gây trĩ, tắc ruột…
Nguyên nhân hay gặp gây táo bón ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân gây táo bón ở trẻ, trong đó thường thấy là chế độ ăn không đủ chất xơ. Chất xơ rất quan trọng, vì sẽ giúp kích thích ruột hoạt động, tạo ra các nhu động ruột thường xuyên và đều đặn. Tất cả chúng ta đều cần ăn các thực phẩm nhiều chất xơ hàng ngày như rau củ, trái cây… Ăn thiếu chất xơ sẽ giảm kích thích ruột và gây ra táo bón.
Uống không đủ nước cũng khiến trẻ bị táo bón. Vì nước giúp làm mềm phân, sẽ khiến việc đại tiện dễ dàng và ít đau hơn.
Tuy vậy, nguyên nhân hay gặp khiến trẻ bị táo bón mà ít cha mẹ biết đó là trẻ nhịn đại tiện. Trẻ cố nhịn đại tiện do mải chơi, sợ đau do rách h.ậu m.ôn hoặc do nhà vệ sinh dơ, thiếu sự riêng tư… Việc nhịn đại tiện quá lâu sẽ khiến cho phân trở nên khô và cứng. Ngoài ra, thói quen này cũng khiến cho đường ruột quen với việc có khối phân lớn bên trong, nên sẽ không tạo nhu động ruột để tạo cảm giác muốn đi đại tiện
Ngoài ra, trẻ mắc một số bệnh lý như: Bệnh phình to đại tràng, giả tắc ruột mạn tính, hẹp đại tràng, hẹp trực tràng h.ậu m.ôn bẩm sinh, sẹo dính các dị tật h.ậu m.ôn trực tràng… cũng sẽ gây táo bón. Do bệnh của hệ thần kinh: Tổn thương vùng cùng cụt, thoát vị màng não tủy, bệnh não bẩm sinh, bại não… cũng gây táo bón. Do bệnh toàn thân như suy giáp trạng, tăng Ca trong m.áu… cũng dễ gây táo bón.
Táo bón là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa.
Cách xử trí khi trẻ bị táo bón
– Khi trẻ bị táo bón, trước hết cha mẹ cần chú ý thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt của trẻ. Thông thường nếu trẻ bị táo bón nhẹ hoặc trong thời gian ngắn sẽ giảm hoặc hết táo bón nếu cha mẹ áp dụng những lưu ý sau:
Với trẻ chưa cai sữa, có thể đ.ánh giá lượng sữa mà trẻ bú mỗi ngày. Ngoài ra, nên thay đổi chế độ ăn của người mẹ. Mẹ nên hạn chế các loại thực phẩm cay nóng và bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn. Thay đổi chế độ ăn của mẹ có thể cung cấp thêm các chất dinh dưỡng có lợi kích thích nhu động ruột của trẻ hoạt động.
Với trẻ lớn ăn dặm cần bổ sung đủ chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày cho trẻ. Các loại rau xanh, hoa quả chín: Rau lang, mồng tơi, củ khoai lang… là những loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ. Không nên cho trẻ ăn ổi, hồng xiêm, đồ uống có ga và hạn chế ăn bánh kẹo ngọt. Nếu trẻ không chịu ăn rau quả, cha mẹ có thể bổ sung cho trẻ các chất xơ bằng các loại sinh tố từ rau củ quả.
– Cha mẹ có thể tập cho trẻ cách đi ngoài đều đặn để loại bỏ thói quen nhịn đi ngoài của trẻ. Hướng dẫn trẻ để chân và bàn chân thoải mái, hít sâu và nín thở trong khi rặn. Khen ngợi khi trẻ làm tốt để khích lệ và giúp trẻ ghi nhớ.
– Uống đủ nước sẽ làm giảm tình trạng táo bón. Việc bổ sung nước cũng tùy thuộc theo tình trạng bệnh của trẻ.
– Khi trẻ bị táo bón, cha mẹ nên xoa bụng trẻ từ phải sang trái theo chiều kim đồng hồ, mỗi ngày xoa từ 3 – 4 lần vào khoảng cách giữa hai bữa ăn. Bài tập đạp xe đạp: Giữ lấy 2 đầu gối của trẻ nhẹ nhàng, gập chân phải từ từ về phía vai phải sau đó duỗi thẳng chân và gập chân trái về phía vai trái theo cách tương tự.
– Khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn bằng cách cho trẻ tham gia các trò chơi hoặc tập thể dục, thể thao. Thói quen vận động không chỉ cải thiện thể lực và tăng khả năng phát triển cho trẻ nhỏ mà còn giúp kích thích cơ bụng, cơ h.ậu m.ôn vận động tốt hơn, giúp cải thiện tình trạng táo bón.
– Nếu trẻ bị táo bón nghiêm trọng hoặc kéo dài kèm theo các triệu chứng: Gắng sức rặn khi đi ngoài, đi ngoài ra m.áu, cảm giác đi ngoài xong vẫn chưa hết phân và mót rặn, phải dùng các biện pháp hỗ trợ để đưa phân ra ngoài… thì cần được thăm khám tại các cơ sở y tế để bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả.
Để phòng ngừa táo bón ở trẻ, cha mẹ cần cho trẻ ăn chế độ dinh dưỡng cân bằng, giàu chất xơ, đồng thời khuyến khích trẻ uống đủ nước mỗi ngày. Việc rèn cho trẻ thói quen vệ sinh, thói quen tích cực vận động, rèn luyện thể chất cũng giúp chống táo bón cho trẻ và hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện hơn.