Một ly rượu thường khoảng 30ml tương đương với 1 đơn vị cồn sẽ cần 3 đến 6 tiếng để nồng độ cồn về 0.
Gần đây tôi thường xuyên phải uống rượu nhưng tôi không uống nhiều chỉ 1-2 ly rượu. Xin bác sĩ tư vấn, tôi lỡ uống 1-2 ly rượu làm thế nào để giảm nồng độ cồn nhanh nhất. Nguyễn Quang Khải ( Gò Vấp, TP.HCM)
Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y dược TP.HCM, tư vấn:
Việc uống rượu và giải phóng nồng độ cồn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Đến nay, người ta vẫn chưa xác định được cụ thể là bao nhiêu rượu có thể khiến một người say. Có người uống chỉ được 1 ly, có người dung nạp được cả 1 lít rượu.
Những người nhẹ cân, có bệnh yếu mệt, đang đói, uống lần đầu, ít khi uống, không hợp, hệ số oxy hóa cồn thấp sẽ nhanh say chậm thải nồng độ cồn hơn.
Lực lượng CSGT thổi nồng độ cồn với người tham gia giao thông. Ảnh: Đình Hiếu
Khi bạn uống rượu, để nhanh giải rượu, giúp nồng độ cồn về 0 bạn có thể áp dụng một vài cách sau:
Sử dụng trái cây: Trái cây tốt sau khi uống bia rượu là quýt. Bạn ăn một vài trái quýt hoặc ép trái quýt lấy nước uống sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc, giải bia rượu. Hoặc bạn có thể dùng dưa hấu, vỏ dưa hấu.
Giải rượu với rau má: Bạn dùng 100g rau má tươi, 2 quả chanh, 1g muối ăn. Rau má tươi rửa sạch, giã nhỏ, ép lấy nước cốt, vắt thêm nước chanh trộn đều thêm muối. Mỗi lần uống 150-300ml.
Giải rượu bằng chanh tươi: Dùng 1 quả chanh tươi, vắt lấy nước cho uống hoặc thái mỏng cho ăn luôn cả quả.
Dùng vỏ quýt phơi khô: Vỏ quýt phơi khô trong đông y còn gọi vị thuốc trần bì. Bạn dùng 30g vỏ quýt khô và sao thơm tán vụn, mơ chua 2 quả bỏ hạt thái vụn. Hai vị đem sắc nhỏ lửa với 360ml nước, sau 30 phút, lọc bỏ bã lấy nước cho uống. Bạn có thể sử dụng thêm gừng tác dụng nhanh hơn.
Ngoài ra, sau uống rượu bạn nên uống nhiều nước là biện pháp đơn giản nhưng khiến bạn cảm thấy dễ chịu, nhanh đào thải cồn trong m.áu.
Khi uống rượu, bạn nên ăn đầy đủ, không để bụng rỗng. Bạn nên uống rượu một cách từ từ giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, gan kịp oxy hóa. Để đảm bảo quy trình thải độc, uống thật chậm.
Cách tốt nhất để giảm nồng độ cồn trong m.áu của bạn là uống ít rượu hơn. Nhấp từng ngụm chậm và trò chuyện với bạn bè là cách làm bản thân mất tập trung, giúp giảm lượng rượu uống vào. Ăn thêm rau xanh để làm loãng nồng độ cồn trong rượu.
Lưu ý, khi uống rượu, tuyệt đối không được pha rượu với nước tăng lực, nước ngọt hay uống bia và rượu cùng lúc vì sẽ gây hấp thu nhanh hơn, đặc biệt nước tăng lực gây tỉnh táo giả, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khoẻ.
Uống 2 lon bia mất bao lâu để nồng độ cồn về 0?
Sau khi uống rượu bia, việc đào thải nồng độ cồn tùy vào cơ thể của mỗi người, nhưng bạn sẽ mất khoảng 6 tiếng cho 1 lon bia, 1 ly rượu mạnh.
Xin chào bác sĩ, cuối năm tôi phải tiếp khách. Mặc dù hạn chế uống rượu bia hoặc không lái xe. Tuy nhiên, có những ngày tôi uống từ tối hôm trước chỉ 2-3 lon bia, hôm sau vẫn có mùi bia dù người tỉnh táo. Tôi phải đặt xe đi làm, không tự lái xe vừa bất tiện, tốn kém. Bác sĩ cho biết, nếu uống hai lon bia thì cần bao lâu đào thải hết cồn. Bùi Trọng Hiếu (Thanh Xuân, Hà Nội)
Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng tư vấn:
Việc sử dụng rượu bia ít vẫn có những mặt lợi ích cho sức khỏe, giúp tiêu hóa, lưu thông m.áu tốt hơn (ở lượng thấp)… Nhưng hiện nay, 1 cốc bia, 1 ly rượu bạn vẫn bị vi phạm quy định về nồng độ cồn. Vậy 2 lon bia cần bao lâu để thổi nồng độ cồn không dương tính.
Thông thường, 1 đơn vị cồn tương đương 10g ethanol nguyên chất 200ml bia, 1 ly rượu vang 75ml, 1 chén rượu mạnh 25ml. Một đơn vị cồn cần 1 tiếng p.hân h.ủy hoàn toàn qua đường hô hấp và bài tiết khoảng 15%, còn lại là cồn được đào thải tại gan.
Hai lon bia sẽ tương đương với 3 đơn vị cồn và chúng ta sẽ mất khoảng 3 tiếng để thải trừ cồn. Tuy nhiên, sau khi thải trừ, cơ thể cần 2-3 tiếng để cồn trong hơi thở được phát tán hết. Khi đó, bạn thổi nồng độ cồn sẽ không dương tính. Như vậy, 2 lon bia bạn sẽ mất khoảng 6 tiếng để có thể đưa nồng độ cồn về 0.
Một số trường hợp cơ thể đào thải chậm hơn hoặc nhanh hơn nhưng bạn cũng nên thận trong. Có người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau nồng độ cồn trong m.áu, trong hơi thở vẫn còn, nhưng có người thì không. Những người có chức năng gan suy yếu hay có cơ thể chuyển hóa chậm hơn sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Với quy định hiện nay, khi bạn bị thổi nồng độ cồn chỉ cần phát hiện ra cồn trong hơi thở dù chưa tới 0,25mg/L bạn đã vi phạm. Vì vậy, một cốc bia trong vòng một tiếng bạn vẫn có khả năng bị phạt. Nếu bạn lái xe cần tránh uống bia trong khoảng 5-6 tiếng trước khi lái xe, dù chỉ là một cốc.
Còn trường hợp bạn uống từ 5-6 lon bia vào tối hôm trước sẽ cần có tối thiểu 12 tiếng để cơ thể đào thải cồn, ít nhất là 24 tiếng để đảm bảo không phát hiện ra cồn trong hơi thở.