Thời tiết rét đậm, rét hại khiến 1 gia đình gồm 2 vợ chồng ở Lạng Sơn đốt than hoa sưởi ấm và bị ngộ độc khí CO.
Thêm vào đó, một cháu bé 12 t.uổi ở tỉnh này cũng phải nhập viện sau khi đốt than củi sưởi ấm để tắm.
3 trường hợp vừa bị ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ấm xảy ra trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong đó có 2 bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.
Trường hợp nặng nhất là nam bệnh nhân 61 t.uổi, trú tại huyện Lộc Bình cùng vợ tự đốt than hoa sưởi ấm trong nhà, được người nhà phát hiện trong tình trạng gọi hỏi không biết, tím tái toàn thân. Sau khi được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc khí CO. Do tình trạng nặng nên các bác sĩ đã tiến hành đặt máy thở và điều trị hồi sức tích cực.
Vợ bệnh nhân cũng bị ngộ độc khí CO mức độ nhẹ hơn, đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình.
Bệnh nhân nặng nhất đang phải thở máy và điều trị hồi sức tích cực.
Trường hợp thứ ba là bệnh nhân nhi 12 t.uổi, trú tại TP Lạng Sơn, vào viện trong tình trạng lơ mơ, tím môi. Theo người nhà cho biết, trước đó, mẹ cháu bé đặt than củi trong buồng tắm kín cho con đi tắm. Khoảng 40 phút sau gọi không thấy con trả lời, người mẹ phát hiện con nằm bất tỉnh trong phòng tắm. Gia đình nhanh chóng đưa con đi cấp cứu.
Ngay khi vào viện cháu bé được thở oxy dòng cao, hồi sức tích cực, may mắn bệnh nhân đã hồi phục tốt. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, sức khoẻ đã tạm ổn định.
Trong những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ ở vùng cao giảm sâu, có nơi giảm xuống 0 độ C, vì vậy, một số người dân có thói quen đốt than sưởi ấm trong phòng kín và đã gặp hoạ khi bị ngộ độc khí CO. Bộ Y tế đã có nhiều khuyến cáo, đặc biệt vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, TP về việc phòng, chống rét cho người dân, trong đó, đề nghị các tỉnh, TP chỉ đạo Sở Y tế cảnh báo để nguời dân biết và phòng tránh các tai nạn do sưởi như bỏng và đặc biệt phòng, chống ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi trong không gian kín.
Theo các bác sĩ, khi thời tiết chuyển lạnh, thay vì sử dụng than, củi để sưởi ấm trong phòng, người dân có thể sử dụng nhiều biện pháp giữ ấm khác như: Che chắn kỹ các phòng; mặc trang phục phù hợp để giữ ấm cơ thể; dùng đèn sưởi, quạt sưởi, điều hoà; uống đủ nước, nên uống nước ấm, tăng cường dinh dưỡng để đảm bảo sức khoẻ.
Khi phát hiện có người bị ngạt khí, cần nhanh chóng đưa nạn nhân rời khỏi phòng, ra ngoài không gian thoáng khí để kịp thời bổ sung oxy, đồng thời gọi cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Sưởi ấm bằng than hoa, một thanh niên tổn thương não, nguy cơ mất trí nhớ
Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nam (33 t.uổi) được chẩn đoán ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than hoa.
Trước đó, vào đêm 29 rạng sáng ngày 30/12, nam bệnh nhân đã đốt than hoa trong chậu ở phòng kín để sưởi ấm rồi đi ngủ. Đến 4h sáng, gia đình nghe thấy tiếng động lạ nên đã vào phòng của bệnh nhân thì phát hiện anh này bất tỉnh và có vết thương trên cơ thể, sau đó đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.
Thông tin với Báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy thận, tổn thương cơ. Tình trạng hiện tại của bệnh nhân dù đã có ý thức nhưng vẫn có dấu hiệu tổn thương não, suy thận, tổn thương cơ.
“Bệnh nhân có thể không t.ử v.ong, tuy nhiên nguy cơ rất cao có những biến chứng thần kinh lâu dài. Đặc biệt là các vấn đề về mất trí nhớ, rối loạn tâm thần…. Chúng tôi đang cố gắng sử dụng các biện pháp điều trị tích cực để hạn chế những biến chứng cho bệnh nhân trong thời gian tới”, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên thông tin.
Nam bệnh nhân bị ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than hoa trong phòng kín. Ảnh: Thùy Dung.
Cũng theo TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, khí CO là khí rất độc, không màu, không mùi vị, hấp thu vào cơ thể tác dụng rất nhanh. Khi vào cơ thể, khí CO làm ngừng quá trình hô hấp ở các tế bào, theo cách như bóp nghẹt từng tế bào và làm chúng c.hết.
“Khí CO là khí thực sự rất độc, nó gây bóp nghẹt và làm c.hết tế bào, chứ không đơn thuần chỉ làm thiếu oxy. Các tế bào của toàn bộ cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng, nhưng nặng nhất là não và tim. Một số ít trường hợp khi hít phải khí CO ở nồng độ thấp sẽ cảm thấy đau đầu, khó chịu,… nhưng các trường hợp hít khí CO nồng độ cao, nạn nhân không kịp cảm thấy gì đặc biệt, nhanh chóng rơi vào bất tỉnh, hôn mê, ngộ độc và dễ dàng t.ử v.ong.
Đó mới là giai đoạn đầu, còn giai đoạn sau cũng rất đáng ngại. Khi bệnh nhân bị ngộ độc nhưng không t.ử v.ong thì sau một vài tuần sẽ gặp hiện tượng não bị tổn thương, dẫn tới các biến chứng về tâm thần, thần kinh (mất trí nhớ, rối loạn tâm thần, run,…)”, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên cho hay.
Giám đốc Trung tâm chống độc cũng cho biết thêm, việc phòng tránh và điều trị các biến chứng muộn do ngộ độc khí CO hiện nay rất khó khăn. Các nghiên cứu cho thấy, trong số các bệnh nhân ban đầu bị ngộ độc khí CO, kể cả ngộ độc nhẹ thì sẽ có khoảng gần 50% số bệnh nhân sẽ gặp các biến chứng tâm thần, thần kinh muộn về sau.
“Khi phát hiện người bị ngạt khí CO, cần nhanh chóng mở hết tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc. Nếu nạn nhân thở yếu, ngừng thở thì hô hấp nhân tạo theo điều kiện tại chỗ, nếu ngừng tuần hoàn thì cấp cứu ngừng tuần hoàn. Sau khi sơ cứu, cần đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị tiếp.
Ngoài ra, người dân tuyệt đối không đốt các loại nhiên liệu như than tổ ong, củi, than hoa, khí gas… để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín. Nếu có sử dụng các nhiên liệu này thì cần mở cửa đủ rộng cho không khí và oxy từ bên ngoài vào hoặc tốt nhất đun nấu ở không gian mở hoặc ngoài trời, còn trong phòng thông khí hạn chế thì nên đun nấu hoặc sưởi ấm bằng điện”, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên hướng dẫn.
Mời bạn đọc xem tiếp video: Bộ Y tế hướng dẫn biện pháp phòng ngộ độc khí CO trong nhà
0:00
Bộ Y tế hướng dẫn biện pháp phòng ngộ độc khí CO trong nhà.